Là huyện miền núi, Tam Đảo có gần 80 nghìn dân với 10 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tới 44,5%; có 3 xã thuộc vùng khó khăn (Bồ Lý, Yên Dương, Đạo Trù). Những năm qua, huyện Tam Đảo đặc biệt chú trọng tới công tác giảm nghèo; triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững nên đã đạt được những kết quả khả quan.
Theo số liệu thống kê của Phòng LĐ-TB&XH huyện Tam Đảo, giai đoạn 2010 -2015, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đã giảm từ 22,6% xuống còn 6,8% ( 1.406 hộ, trong đó hộ dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo chiếm 661 hộ). Hàng năm, trong quá trình triển khai chỉ đạo thực hiện chương trình giảm nghèo, huyện Tam Đảo đã chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể để lồng ghép đưa các chương trình giảm nghèo vào nhiệm vụ công tác và triển khai kế hoạch chương trình giảm nghèo của Trung ương, tỉnh, huyện, xã xuống các khu dân cư. Đồng thời, Huyện ủy Tam Đảo đã ban hành Thông tri 26-TT/HU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo”. Các chính sách ưu đãi về y tế, giáo dục, đào tạo nghề, hỗ trợ tín dụng ưu đãi, nhà ở, nước sinh hoạt đã được hỗ trợ kịp thời đến hộ nghèo. Từ năm 2013 đến nay, đã có trên 9 nghìn người nghèo, trên 18 nghìn người cận nghèo, gần 14 nghìn người DTTS được cấp thẻ BHYT. Thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng, tính đến tháng 7/2015, đã có gần 60 tỷ đồng dành cho hộ nghèo vay, riêng 7 tháng đầu năm 2015, đã cho hộ nghèo vay được trên 15 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ đầu tư theo Chương trình 134 của Chính phủ, từ năm 2011 đến nay, đã có 19 công trình nước sinh hoạt được xây dựng tại các xã khó khăn như Bồ Lý, Đại Đình, Minh Quang, Yên Dương…Chính sách hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm được huyện Tam Đảo đặc biệt quan tâm nhưng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại, huyện Tam Đảo chỉ có Trung tâm Giáo dục thường xuyên và dạy nghề song lại gặp khó khăn về cơ sở vật chất, không có lớp học, trang thiết bị dạy nghề nên người lao động trong huyện muốn học nghề lại phải đến các trường nghề khác trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, những lao động đã được tham gia học nghề ở những nơi khác có sự tăng lên cả về số lượng và chất lượng, trình độ tay nghề cơ bản đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, một số hộ nghèo nhận thức được lợi ích trong việc học nghề cũng tự giác đăng ký tham gia học nghề và vay vốn để sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo. Trong 6 tháng đầu năm 2015, huyện giải quyết việc làm mới cho 2.010 lao động. Không chỉ giải quyết việc làm ở trong nước, huyện Tam Đảo rất chú trọng tới công tác xuất khẩu lao động ( XKLĐ), giúp người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Năm 2014, huyện có 108 người đi XKLĐ, 6 tháng đầu năm 2015 có 27 người đi XKLĐ. Đối với những hộ thiếu vốn, đặc biệt là hộ nghèo và đồng bào DTTS, phòng LĐ-TB&XH đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 8 người đi XKLĐ vay vốn với số tiền 455 triệu đồng, những hồ sơ này đều là người DTTS.
Đồng chí Phó Văn Chiến, Trưởng phòng LĐ- TB&XH huyện Tam Đảo cho biết: Tam Đảo là một huyện nghèo, có điểm xuất phát thấp về nhiều mặt, tỷ lệ hộ nghèo cao hơn so với mức bình quân chung toàn tỉnh. Vì vậy, công tác giảm nghèo luôn được huyện chú trọng thực hiện. Phòng LĐ- TB&XH luôn giúp người dân nghèo tiếp cận nhanh nhất đối với các chế độ, chính sách của các cấp dành cho hộ nghèo; đồng thời giải quyết các chế độ nhanh gọn, chính xác, và hơn hết khâu rà soát hộ nghèo phải thực hiện nghiêm túc, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn đối tượng. Thời gian qua, huyện đã tích cực tuyên truyền tới người dân, đồng thời phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác giảm nghèo. Để giúp huyện giảm nghèo nhanh, huyện chỉ đạo các xã tiến hành điều tra từng thôn, từng hộ, qua đó tìm rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo của các hộ để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Nếu hộ nào thiếu vốn sẽ phối hợp với Ngân hàng Chính xã hội cho vay vốn thông qua các tổ vay vốn, thiếu việc làm sẽ tìm hoặc giới thiệu việc làm cho phù hợp với năng lực người lao động, những hộ thiếu kinh nghiệm, kiến thức về sản xuất sẽ cho tham gia học nghề, tập huấn…Từ đầu năm 2015, huyện đã thành lập được 2 đội cộng tác viên công tác xã hội ở xã Đại Đình và Đạo Trù, thành viên là cán bộ của MTTQ và các đoàn thể; họ sẽ cùng với người nghèo ở địa phương tìm ra nguyên nhân và giải pháp để thoát nghèo bền vững, sắp tới sẽ phát triển thành lập những đội CTV này trên toàn huyện.
Đối với hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS, sẽ được hỗ trợ về phát triển sản xuất như phân bón, cây trồng, kỹ thuật gieo trồng, chăn nuôi… Mỗi năm đồng bào DTTS được tham gia 5 lớp tập huấn chuyển giao KHKT; ngoài ra những vùng này còn được đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục…Đồng chí Lê Kim Trọng, Trưởng phòng Dân tộc huyện đánh giá: Các hộ ở vùng đồng bào DTTS, kể cả hộ nghèo tuy được hưởng nhiều chính sách ưu đãi song họ cũng có ý thức tự giác vươn lên phát triển kinh tế. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hiện nay có khoảng hơn 600 hộ nghèo là người DTTS. Trên địa bàn xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế cải thiện thu nhập cho hộ DTTS như mô hình trồng cây dược liệu ở Đại Đình, Đạo Trù, Tam Quan; chăn nuôi lợn siêu nạc ở Minh Quang, trồng rau, củ, quả chuyên canh ở Hồ Sơn, Hợp Châu. Tuy nhiên, tỷ lệ các hộ thoát nghèo chưa có tính bền vững bởi việc giải quyết việc làm chỉ mang tính thời vụ, việc làm ít, ảnh hưởng khách quan từ thiên nhiên mang lại như hạn hán, bão lũ mà người DTTS chủ yếu trông vào nông nghiệp, diên tích đất nông nghiệp ít. Vì vậy, cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, các cấp, các ngành để nâng đời sống của đồng bào DTTS.
Yên Dương là một trong những xã khó khăn của huyện, có 1.513 hộ và 6.182 nhân khẩu, trong đó đồng bào DTTS chiếm tới 53%. Xã hiện có 154 hộ nghèo (chiếm 10,1%), 389 hộ cận nghèo. Đồng chí Trần Ba Minh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đối với công tác giảm nghèo, xã đã đặt ra biện pháp chính là khuyến khích các hộ nghèo vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư cho chăn nuôi, chủ yếu là chăn nuôi lợn. Hầu hết, các hộ nghèo đều được vay với mức từ 30 đến 35 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, các hộ gia đình sẽ nuôi được khoảng 3 con lợn nái, 6-7 con lợn thịt. Với giá lợn xuất chuồng như hiện nay, đây là nguồn thu nhập ổn định cho các hộ nghèo. Xã còn vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng dâu lên đến trên 40 mẫu ở 4 thôn Quang Đạo, Đồng Thành, Yên Phú, Đồng Quán; tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, các hộ gia đình còn trẻ tuổi sẽ đi lao động tại các công ty trong và ngoài tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo cho xã”. Yên Dương là xã 135 nên được Nhà nước hỗ trợ đầu tư về giao thông, y tế, giáo dục, nhà ở…. Hiện nay, xã đã đổ bê tông được 23km đường giao thông; hiện không còn nhà dột nát, tranh tre nứa lá; hàng năm người cao tuổi, người khuyết tật được khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí; trên địa bàn không có trường hợp trẻ em thất học…Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, tỷ lệ hộ nghèo của xã Yên Dương đã giảm mạnh. So với năm 2014, hộ nghèo đã giảm 6,39% và hộ cận nghèo giảm 7,74%. Đây là những tín hiệu đáng mừng trong công tác giảm nghèo ở một xã miền núi đặc biệt khó khăn.
Thời gian tới, để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, huyện chỉ đạo các ban, ngành, địa phương tích cực tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, khắc phục tình trạng ỷ lại, dựa dẫm vào chính sách; phổ biến những kinh nghiệm hay, gương điển hình trong thực hiện chương trình giảm nghèo, nhân rộng các mô hình SXKD hiệu quả thoát nghèo vươn lên làm giàu. Tăng cường huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế- xã hội, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, xây dựng nhiệm vụ cụ thể cho mục tiêu giảm nghèo theo hướng bền vững.
Diệu Linh (Nguồn Báo Vĩnh Phúc)