Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, bão số 2 sẽ gây mưa to đến rất to tại các tỉnh Bắc Bộ trong các ngày từ 16-19/7. Tại Vĩnh Phúc, theo dự báo, lượng mưa phổ biến cả đợt dao động từ 100-150mm. Nhằm chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp có thể xuất hiện trước, trong và sau cơn bão, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã thực hiện tốt phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục hiệu quả nhanh”, đảm bảo an toàn các tuyến đê, hệ thống hồ đập, nhất là các hồ có dung tích chứa từ 1-3 triệu m3 nước khi xuất hiện mưa lũ đạt tần suất thiết kế.
Nhân viên Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Tam Đảo kiểm tra đập chính hồ Xạ Hương, xã Minh Quang (Tam Đảo) nhằm ngăn ngừa hiện tượng tổ mối xâm hại công trình.
An toàn cho hồ đập
Để chủ động đối phó với diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai có thể xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhà nước và nhân dân… ngay từ đầu năm 2017, tỉnh đã chủ động ban hành các chỉ thị, văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương coi phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm và gắn với phát triển KT-XH; khẩn trương xây dựng phương án phòng, chống thiên tai cụ thể, sát với thực tế và điều kiện từng vùng, từng địa phương; chuẩn bị kinh phí, lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”. Tăng cường kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các công trình thủy lợi, nhất là hệ thống đê điều, các hồ chứa vừa và nhỏ trên địa bàn để phối hợp với các đơn vị quản lý công trình xây dựng phương án phòng chống, bảo đảm an toàn công trình trong mùa mưa bão; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm Luật Đê điều, Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi theo đúng quy định của pháp luật. Các huyện, thị xã: Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương, Tam Đảo, Bình Xuyên, Phúc Yên đều xây dựng kế hoạch, phương án phòng tránh lũ quét, sạt lở đất và cảnh báo cho nhân dân biết các vùng có thể xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất để có biện pháp phòng tránh…
Với nhiệm vụ quản lý 6 hồ chứa nước lớn: Vĩnh Thành, Làng Hà, Xạ Hương, Thanh Lanh, Gia Khau, Bản Long nằm ven chân núi Tam Đảo và 128 hồ chứa nhỏ nằm ở các địa phương, để chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời trước thiên tai, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Tam Đảo đã thành lập BCH PCTT và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Có mặt tại hồ Xạ Hương và hồ Làng Hà sáng 17/7/2017, dù cơn bão số 2 chưa gây ảnh hưởng nhiều, nhưng không khó để nhận thấy công tác chủ động, sẵn sàng ứng phó với mưa bão đã được cán bộ, nhân viên ở đây thực hiện rất khẩn trương, nghiêm túc. Anh Ngô Tiến Mạnh, Trưởng phòng Quản lý nước và công trình, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Tam Đảo cho biết: “Ngay từ trước mùa mưa lũ, các công trình thủy lợi do công ty quản lý đã được khảo sát, kiểm tra đánh giá để có biện pháp xử lý kịp thời nếu xảy ra sự cố. Thực hiện Công điện của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh trong việc chủ động ứng phó với bão số 2, bên cạnh việc chuẩn bị đầy đủ vật tư từ trước tại các hồ chứa, 100% các đơn vị thuộc công ty đã trực 24/24. Đến nay, tại tất cả các hồ, đập do công ty quản lý đều đảm bảo an toàn, chủ động ứng phó và sẵn sàng bổ sung nhân lực tại những nơi xung yếu khi cần thiết”.
Là 1 trong 2 hồ chứa lớn của tỉnh có dung tích trên 10 triệu m3 nước và điều tiết bằng cửa van, đập hồ Xạ Hương được đánh giá là một trong những trọng điểm cần được quan tâm trong các mùa mưa bão. Anh Kỳ Văn Thành, Cụm phó Cụm đầu mối đập Xạ Hương chia sẻ: Đã hơn 2 ngày nay, 100% cán bộ, nhân viên của cụm trực 24/24 để sẵn sàng ứng phó bão số 2. Bên cạnh việc duy trì thường xuyên theo phương châm “4 tại chỗ”, công tác phối hợp với các ban, ngành, chính quyền địa phương cũng được quan tâm, chủ động, thường xuyên, liên tục.
Nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, anh Nguyễn Đình Sáng, Giám đốc Xí nghiệp thủy lợi Làng Hà cho biết: “Bên cạnh việc đảm bảo quân số trực ban theo yêu cầu, cán bộ, nhân viên xí nghiệp luôn chú trọng công tác kiểm tra, quản lý, đảm bảo an toàn cho các hồ, đập chứa nước và hạ du công trình trong mùa mưa lũ. Tăng cường bảo dưỡng, chuẩn bị nghiêm túc các trang thiết bị phòng chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn, dự trữ thuốc, lương thực, nhu yếu phẩm đầy đủ để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống thiên tai”.
Chủ động phòng chống ngập úng
Từ ngày 4-5/7/2017, do ảnh hưởng của rãnh thấp có trục đi qua Bắc Bộ kết hợp hội tụ gió trên cao trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng, làm cho hơn 1.900ha lúa, 81ha hoa màu bị ảnh hưởng; 91 nhà bị ngập; 407m tường rào bị đổ; 127m kênh mương và 772m đường giao thông bị sạt. Nhằm ứng phó với tình trạng ngập úng sẽ xảy ra dưới ảnh hưởng của bão số 2, các địa phương trong tỉnh đã chủ động xây dựng các phương án tiêu úng, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực để ứng phó khi mưa lũ xảy ra do ảnh hưởng của hoàn lưu bão.
Yên Lạc là địa phương chịu ảnh hưởng nhiều nhất của đợt mưa lớn vừa qua với hơn 1.160ha lúa bị ngập úng, trong đó có khoảng 400ha không có khả năng phục hồi. Anh Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Lạc cho biết: Yên Lạc nằm trong vùng trũng của tỉnh; khi có mưa lớn xảy ra, nước từ núi Tam Đảo và các gò, đồi thuộc thành phố Vĩnh Yên và huyện Bình Xuyên đổ về, tiêu không kịp, dồn hết vào sông Cà Lồ, khiến gần 1.000ha lúa và hoa màu trên địa bàn huyện thường xuyên phải chống úng, tập trung ở các xã: Nguyệt Đức, Yên Phương, Văn Tiến, Tam Hồng, Yên Đồng, Trung Nguyên… Vì vậy, hiện nay, huyện Yên Lạc triển khai quyết liệt các biện pháp chống úng để bảo vệ sản xuất như: Khơi thông dòng chảy trên các trục tiêu, nhất là các cửa cống để kịp thời tiêu úng nhanh cho những diện tích bị ảnh hưởng; những khu vực khó khăn về tiêu nước, huy động máy bơm dã chiến, bơm dầu để bảo vệ an toàn cho cây trồng.
Hiện, phân vùng tiêu của tỉnh được chia theo 3 vùng gồm: Vùng sông Lô, sông Phó Đáy (gần 446km2) tiêu ra sông Lô và sông Phó Đáy bằng các cống qua đê; vùng sông Phan, sông Cà Lồ (gần 716km2) tiêu ra sông Cầu (tiêu thoát cho 7/9 huyện, thành, thị) và vùng bãi (gần 40km2) tiêu ra các sông bằng các cống qua đê bối. Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của các cấp, toàn tỉnh đã hình thành hệ thống công trình tiêu với gần 350km kênh tiêu trục chính liên huyện, liên tỉnh; hơn 500km kênh tiêu liên xã; hàng ngàn km kênh tiêu nội xã; 40 cống tiêu lớn và hàng trăm cống tiêu trong các vùng, hàng trục trạm bơm tiêu cục bộ như Cao Đại, Đầm Cả, Đại Phùng… Tuy nhiên, theo Chi cục Thủy lợi, hiện vùng Lập Thạch, Sông Lô vẫn là tiêu tự chảy qua các cống qua đê đổ ra sông Phó Đáy và sông Lô, khi mực nước sông lên cao, nước trong đồng không thể tiêu thoát, cộng với công trình trục tiêu nhiều năm chưa được đầu tư, cải tạo dẫn đến ngập úng ở vùng trũng và ngập úng cục bộ ở khu dân cư là không thể tránh khỏi. Đối với vùng trong đê sông Hồng và đê Tả Phó Đáy, việc tiêu thoát hiện nay duy nhất chảy ra sông Cầu, tính từ cầu Hương Canh (điểm đầu sông Cà Lồ) đến cửa ra sông Cầu có chiều dài gần 80km. Khi mưa lớn xảy ra, lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về. Mặt khác, tỉnh nằm ở vị trí thấp trong vùng lũ sông Hồng, xen kẹp giữa đê sông Hồng, sông Phó Đáy, sông Lô và dãy núi Tam Đảo, hướngthoát nước chỉ dựa vào việc tự chảy từ sông Phan và sông Cà Lồ ra sông Cầu, nên khả năng tiêu thoát chậm.
Trước thực trạng ấy, để chủ động ứng phó với bão số 2, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã ban hành công điện kiểm tra thực địa các hồ đập, luồng tiêu; triển khai đồng bộ phương châm “4 tại chỗ”. Phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 2; thành lập các tổ công tác tăng cường kiểm tra hệ thống công trình hồ đập, đê, kè cống, đồng ruộng để phát hiện và xử lý kịp thời công trình hư hỏng, tháo dỡ vật cản, vớt bèo trên các trục tiêu theo quy định phân cấp. Lập các chốt canh gác tại các ngầm, tràn qua suối, hố ga thành phố khi mua lũ xuất hiện; chỉ đạo lực lượng công án cùng cấp phân luồng giao thông thông suốt trong mọi tình huống, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Riêng các huyện trung du, miền núi tăng cường công tác kiểm tra, rà soát kỹ khu vực có thể xảy ra sạt lở đất, lũ quét, nhất là nguy cơ sạt lở đá tại xã Quang Yên (Sông Lô); sạt lở đất tại các xã Quang Sơn, Ngọc Mỹ (Lập Thạch); Đạo Trù, Minh Quang (Tam Đảo); Trung Mỹ (Bình Xuyên); Ngọc Thanh (thị xã Phúc Yên). Đảm bảo người dân vùng ảnh hưởng của mưa lũ, sạt lở đất không bị đói rét. Tiến hành tháo dỡ các vật cản, vớt bèo trên các luồng tiêu. Sẵn sàng triển khai lắp đặt thêm hệ thống các trạm bơm dã chiến tại những vùng tiêu cục bộ. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị, nhân lực, hậu cần để xử lý sự cố xảy ra.
Nguồn tin Báo Vĩnh Phúc online.